Bạn có bao giờ nhìn lại bảng mục tiêu trong năm cũ của mình và ngại ngùng cất nó đi một góc? Bạn nhận ra mình đã “quên” thực hiện nhiều điều mà mình đã hào hứng viết ra vào những ngày đầu năm? Bây giờ, đã đến lúc chúng ta áp dụng một phương pháp đặt mục tiêu hiệu quả hơn cho năm mới, những mục tiêu dễ dàng thực hiện để phát triển bản thân.
Đặt mục tiêu thông minh góp phần tạo nên thành công cho bạn
1. Chọn đúng mục tiêu
Theo một nghiên cứu, có đến 1/3 số người thay đổi bảng mục tiêu mà mình đã quyết định sau 1 tháng đầu tiên, vậy thì tại sao? Có 3 lý do cho điều này:
 
Thứ nhất, mục tiêu của bạn không phải là điều bạn mong muốn thực sự và quyết tâm muốn làm, mục tiêu này chỉ dựa trên những điều người khác khuyên bạn cần thay đổi.
 
Thứ hai, mục tiêu của bạn quá mơ hồ, không cụ thể, đến bạn còn không xác định được để làm được nó bạn cần làm những bước gì.
 
Thứ ba, bạn không có một kế hoạch thực tế để đạt được mục tiêu đó.
 
5 tiêu chuẩn cho một mục tiêu tốt (SMART) được tổ chức Management Review khuyên như sau: 
  • Cụ thể (Specific): Một mục tiêu cụ thể mới có thể đem lại hiệu quả cho bạn. Đừng lên mục tiêu như “Tôi sẽ giảm cân” mà hãy viết nó thật chi tiết “Tôi sẽ giảm 5 cân trong vòng 3 tháng”.
  • Có thể đo lường (Measurable): Bạn phải thường xuyên theo dõi và kiểm tra tiến độ thực hiện của mình, trong 3 tháng mục tiêu mà bạn đề ra, theo dõi xem tháng thứ nhất mình đã giảm được bao nhiêu rồi. Hãy ghi lại từng diễn biến, điều này cho bạn biết bạn đã thực hiện được đến đâu trong hành trình của mình. 
  • Có thể đạt được (Achievable): Hãy đặt những mục tiêu thực tế, khả thi mà bạn có thể cố gắng đạt được. Nếu bạn đưa ra mục tiêu giảm 30 cân trong vòng 3 tháng, điều này sẽ làm bạn chán nản và không thèm nghĩ đến cái bảng mục tiêu đó nữa. 
  • Liên quan (Relevent): Mục tiêu bạn đề ra cần phải phù hợp với tình hình của bạn ở hiện tại, kể cả tài chính hay tầm nhìn, trình độ của bạn. Chẳng hạn, bạn muốn đến phòng tập để giảm cân, bạn phải thực hiện mục tiêu tiết kiệm tiền cho việc này. 
  • Khoảng thời gian (Time Bound): Lên mục tiêu cụ thể, bạn cũng cần phải xác định một khoảng thời gian cụ thể để bạn thực hiện mục tiêu đó, đồng thời chia nhỏ mục tiêu thành những điểm mốc nhỏ để từng bước đạt được đạt trên cả hành trình đạt được mục tiêu lớn.
Nguyên tắc S.M.A.R.T hỗ trợ đặt mục tiêu chính xác
2. Nhận biết những thách thức
Trong hành trình thực hiện các mục tiêu, tâm lý của bạn sẽ có lúc lười, tìm mọi lý do để trì hoãn. Ví dụ bạn đang tập quá mệt mỏi, suy nghĩ “Mình mới giảm được 1 cân, mình còn 4 cân biết đến bao giờ đây?” hay suy nghĩ “Mình đã giảm được 1 cân rồi, mình sắp giảm được 2 cân rồi!” thì suy nghĩ nào sẽ là động lực để bạn tiếp tục?
 
Chính vì vậy bạn đừng nhìn tổng quan các công việc trước mắt mà thấy nhiều rồi chán nản, hãy tập trung vào điều bạn thực hiện được, rồi phấn đấu đạt đến điều trước mắt, từng bước bạn sẽ hoàn thành tất cả.
 
Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng cần linh hoạt tuỳ theo thực tế. Nếu kế hoạch bạn đặt ra quá khắc nghiệt, chưa phù hợp với cuộc sống hiện tại, bạn có thể sẽ thất bại.
3. Chia sẻ mục tiêu với đúng người
Chia sẻ mục tiêu với đúng người sẽ giúp bạn sớm đạt được nó
Không bắt buộc bạn phải thực hiện những mục tiêu này một mình, tìm cho mình một người bạn để đồng hành sẽ là động lực để bạn hào hứng thực hiện hơn. Có người cố gắng chung sẽ giúp bạn siêng năng, cùng tiến với họ, cũng như cam kết bạn phải đạt được mục tiêu này sẽ cao hơn.
 
Nhưng bạn hãy chọn người mà họ cũng phải có mong muốn thay đổi và tư duy tích cực để cùng hỗ trợ bạn. Và họ cũng nên là người nghiêm khắc để nhắc nhở và thúc giục bạn mỗi khi bạn sa đà vào điều mới mẻ vui chơi khác.
 
Ngoài ra, một nghiên cứu nói rằng, nếu bạn chia sẻ với người có địa vị và trình độ cao hơn. Bạn sẽ áp lực và quyết tâm cao để thực hiện mục tiêu hơn, chính vì quan tâm đến cách suy nghĩ và nhìn nhận của người đó về mình.
 
Tuỳ vào hoàn cảnh, song song với việc xem xét bản thân mình, trách mình lười biếng, hoặc tự ti về năng lực, hãy nhìn nhận lại một cách khách quan nhất về mục tiêu bạn đã đề ra. Rất có thể, mục tiêu bạn đặt hiện tại chưa phù hợp thời điểm, hoàn cảnh, khả năng… Suy cho cùng, mục đích của việc tự nhìn nhận lại bản thân và đặt ra kế hoạch mục tiêu năm mới là để cải thiện bản thân, làm bản thân vui hơn mỗi ngày. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là tư duy tích cực và cái nhìn thực tế nhé!