Những quy tắc của Henry Fayol nói rằng vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng trong “chuỗi” mắt xích và đặc biệt cần đặt nhân viên đúng chỗ, đúng vị trí để bộc lộ hết tài năng. Đừng làm nhiều mà hãy làm thật thông minh – đó là tinh thần chung của nhà lãnh đạo và nhân viên.

Henry Fayol (1841 - 1925)

Henry Fayol (1841 – 1925)

Henry Fayol sinh năm 1841 là một tác giả, kỹ sư, chủ khai thác, giám đốc mỏ và cũng đồng thời là người đã phát triển học thuyết chung về quản trị kinh doanh. Năm 1916, trước khi rời vị trí Giám đốc, ông giới thiệu “14 nguyên tắc trong quản lý” trong cuốn sách “Administratinon Industriell et Générale”.
 
Đến hiện nay những nguyên tắc này vẫn được xem là một trong những lý thuyết đầu tiên về quản lý toàn diện nhất. 14 nguyên tắc này như sau:

1. Phân công hóa lao động

Để tăng năng suất công việc cũng như hiệu quả công việc được tốt hơn, cần phải phân bổ công việc và chuyên môn hóa từng bước thực hiện trong một chu trình. Nếu mọi thứ đều được sắp xếp phân công rõ ràng sẽ thúc đẩy tính tập trung cao cho nhân viên.

2. Lãnh đạo đi kèm trách nhiệm

Một người lãnh đạo luôn có quyền hạn riêng của mình, quyền hạn này được trao cho họ để họ có thể hoàn thành trách nhiệm trên cương vị đó. Đối với nguyên tắc này, Herb Kelleher – cựu Chủ tịch Tập đoàn Southwest Airlines có đồng quan điểm: “Các vị trí và chức danh đều không quan trọng, chất lượng quản lý mới là điều có ý nghĩa hơn hết. Bất kỳ ai, đang đảm nhận nhiệm vụ hay chức danh nào cũng đã là một nhà lãnh đạo qua hành động của mình”.

3. Kỷ luật

Trong các tổ chức luôn luôn phải tồn tại kỉ luật, sự đồng thuận giữa công ty và nhân viên về bản chất được thể hiện qua sự tuân thủ, tính áp dụng, hành vi, dù cho ở mỗi công ty sẽ có những quy định và phương pháp áp dụng khác nhau.

4. Thống nhất trong chỉ đạo

Với hàng loạt phương pháp và mô hình quản lý trong kinh doanh hiện nay, nhiều khi một nhân viên sẽ phải báo cáo với 2 hoặc nhiều lãnh đạo chỉ cùng một công việc. Nếu những phản hồi từ các lãnh đạo khác nhau hoàn toàn hay mỗi người chỉ thị một đằng thì nhân viên sẽ làm gì đây?

5. Thống nhất hành động

Đội ngũ nhân viên cần phải làm việc dưới sự chỉ đạo của một người quản lý, tuân theo một kế hoạch. Điều này sẽ đảm bảo hoạt động được phối hợp đúng cách, mọi khâu nhất quán, vừa khớp với nhau, để tránh gặp những bất cập hay không đồng nhất trong chuỗi công việc.

6. Đặt lợi ích chung lên trên

Làm việc cho một tập thể chứ không phải làm việc để tự phục vụ chính mình, chính vì vậy không được đặt lợi ích bản thân cao hơn lợi ích chung của tổ chức. Điều này cũng có nghĩa nếu quan điểm của bạn đi ngược với số đông, bạn cũng phải chấp nhận sự thống nhất và hành động theo vì đây là việc chung.

Đặt lợi ích chung lên hàng đầu để vươn đến thành công

Đặt lợi ích chung lên hàng đầu để vươn đến thành công

 

7. Lương thưởng

Nếu là quản lý, hãy đảm bảo bạn trả thù lao xứng đáng cho công sức mà họ đã bỏ ra. Sự hài lòng của nhân viên mới tạo được sự tích cực khi làm việc.

8. Tập trung hóa

Trong những tổ chức, quyền hành nên tập trung vào tay một số người dù ngay cả ở những tổ chức có cấu trúc phẳng và quyền lực phân hóa (decentralization). Đây là nguyên tắc thiết yếu của mọi tổ chức và là hệ quả tất yếu của quá trình cơ cấu.

9. Nguyên tắc thứ bậc

Cấp bậc giữa lãnh đạo và nhân viên sẽ được phân thứ bậc dựa trên công việc được phân công trong tổ chức. Nhân viên cần phải nhận thức nơi họ đứng, vị trí mà họ đảm nhận trong công ty để thực hiện chính xác nghĩa vụ, quyền lợi của mình.

10. Trật tự

Một tổ chức có trật tự sẽ phát triển ổn định. Chính vì vậy một tổ chức dù đông hay ít người, cũng phải có quy định và được phân cấp.

11. Công bằng

Làm quản lý cần phải công bằng với tất cả nhân viên. Hãy đánh giá chất lượng công việc và lắng nghe các ý kiến của họ thật khách quan, dựa vào giá trị thực chứ không phải dựa trên các mối quan hệ, địa vị hay thành tích.

12. Tính ổn định trong thời gian đảm nhận vị trí

Nếu nhà quản lý không mô tả công việc rõ ràng, không giao việc cụ thể, hay đặt nhân viên vào những vị trí không thích hợp sẽ làm cho nhân viên cảm thấy khó khăn và không thích ứng với công việc. Hãy cho họ thời gian làm quen công việc và tạo cho họ môi trường làm việc tốt, để họ muốn cống hiến lâu dài.

13. Sáng tạo

Sự sáng tạo đóng góp phần lớn vào thành công

Sự sáng tạo đóng góp phần lớn vào thành công

Hãy để cho nhân viên có cơ hội được bộc lộ năng lực của mình cũng như bày tỏ được những sáng kiến cá nhân. Họ sẽ cống hiến sự nhiệt huyết, nhiệt tình của mình cho công ty.

14. Tinh thần đoàn kết

Fayol nhấn mạnh rằng, việc xây dựng và duy trì sự tinh thần tập thể là rất quan trọng. Ngoài sự ăn ý trong khi phối hợp làm việc, họ còn tương trợ lẫn nhau hoàn thành công việc được giao.

Tư tưởng chủ yếu của Fayol là thành công của quản lý không chỉ nhờ những phẩm chất, năng lực của các nhà quản lý, mà còn nhờ các nguyên tắc chỉ đạo hành động. Với các nhà quản lý cấp cao phải có khả năng bao quát, còn đối với cấp dưới thì khả năng chuyên môn là quan trọng nhất.